logo Thinh Dat
Hotline: 0904411080

QUÀ TẶNG – VẬT PHẨM TRUYỀN THÔNG & CÂU CHUYỆN VỀ NGÔI SAO DẪN ĐƯỜNG

Mỗi lần đi công tác hay du lịch ở Nhật Bản, điều làm tôi ấn tượng nhất không phải là mùa hoa anh đào bung nở lãng mạn, làm xao xuyến lòng người, Nara – vùng đất cố đô của loài nai ngơ ngác, hay nền ẩm thực nổi tiếng thế giới với: sushi, sashimi, rượu sake, bánh wagashi... Rất đơn giản, furoshiki – vuông khăn gói quà tặng chứa đựng ý nghĩa về lối sống, ứng xử mang đậm phong cách và bản sắc văn hóa dân tộc Phù Tang – mới làm tôi rung động.

Được làm từ nhiều loại vải, furoshiki có khoảng 100 kiểu gói khác nhau, gấp nhỏ lại được và tái sử dụng nhiều lần. Với đủ loại hoa văn, màu sắc phong phú, tượng trưng cho lời cầu may, sự sinh sôi nảy nở, thịnh vượng, mạnh mẽ..., chúng thể hiện tính tiện ích, linh hoạt và khuyến khích lối sống tiết kiệm – bảo vệ môi trường. Cùng với món quà bên trong, tất cả làm thành lời cầu chúc tinh tế, trang trọng mà người tặng gửi đến người nhận.

Từ ví dụ này, chúng ta dễ dàng đối sánh với hiện trạng người Việt Nam chưa có văn hóa tặng quà và chủ trương mang tính tầm cỡ quốc gia về thiết kế quà tặng. Doanh nghiệp sản xuất ra quà tặng – vật phẩm phải tự làm truyền thông từ A đến Z... Thế nên, đương nhiên là trong giới hạn nội lực của một doanh nghiệp, chúng ta chỉ tiếp cận khách hàng mà không đưa quà tặng trở thành văn hóa dân tộc và đi ra quốc tế được.
 

Đặc biệt, với các công ty, tổ chức, tặng quà/sử dụng vật phẩm truyền thông là một trong những vũ khí marketing lợi hại. Tuy nhiên, chưa doanh nghiệp nào chú trọng công tác xây dựng chiến lược quà tặng. Họ thường tặng quà theo sự kiện chứ không phải theo chiến lược cụ thể, dẫn tới thực trạng: tiền mất nhiều – hiệu quả kém, thiếu tính chắt lọc, tặng cho khách hàng sản phẩm mà bạn thích chứ không phải là họ thích, thương hiệu không được nhận diện/nhấn mạnh...

Gần 20 năm lăn lộn với nghề, tôi thường bị “đốt nơ-ron thần kinh” nhiều nhất là về ý tưởng. Để thư giãn, tôi hay ngắm bầu trời lấp lánh tinh tú và thích thú khi biết rằng: từ chỗ ban công phòng riêng mà mình đứng – nhìn thẳng ra xa – chính là hướng sao Bắc Cực. Suốt hàng thế kỷ, ngôi sao này đã trở thành hoa tiêu – bạn đường của những người làm nghề hàng không, hàng hải, du hành... Đó là vì nó luôn nằm ở phương chính Bắc, dù chuyển động tự quay của trái đất quanh trục khiến các “đồng nghiệp” khác luôn thay đổi vị trí trên bầu trời. Hiện tại, Polaris đang giữ vai trò sao Bắc Cực, là hệ 3 ngôi sao quay quanh một trọng tâm chung.
 

Thực tế, Thịnh Đạt không coi cung cấp sản phẩm là mục tiêu cốt lõi, mà chúng tôi tập trung vào việc tư vấn chiến lược truyền thông về quà tặng – vật phẩm. Kỳ vọng được giống như sao Bắc Cực: luôn luôn là ánh sáng dẫn đường trong đêm tối, luôn luôn kiên định, vững vàng, đáng tin cậy, Thịnh Đạt mong muốn xây dựng hình ảnh, độ nhận diện thương hiệu... một cách nhất quán, đẹp, đặc sắc và khó quên cho khách hàng.

 

Hơn thế nữa, cả 3 ngôi sao “cùng chung chí hướng” thì mới tạo nên được Polaris. Cho nên, câu hỏi làm tôi trăn trở nhất suốt bao nhiêu năm qua vẫn luôn là: đến bao giờ thì giữa doanh nghiệp/tổ chức có nhu cầu mua quà tặng – vật phẩm truyền thông, nhà tư vấn (Thịnh Đạt) và đơn vị sản xuất “khớp” nhau? Điều này rất khó và nếu như nó xảy ra càng muộn thì các doanh nghiệp càng tốn nhiều tiền.
 

Nhưng như vậy không có nghĩa là không hiện hữu “cổ tích giữa đời thường”. Khoảng năm 2012–2013, Thịnh Đạt là đơn vị đầu tiên thiết kế, sản xuất các vật phẩm – quà tặng cho Vodka Cá Sấu. Đến tận bây giờ, hãng vẫn sử dụng nền tảng thiết kế của chúng tôi mà không thay đổi gì. Phía sau thành công này là một câu chuyện dài và để đời...

Còn nhớ, khi Nguyên – trưởng phòng marketing của Vodka Cá Sấu cùng tôi đưa ra các chiến lược để phát triển, 2 bên tranh luận gay gắt không dưới 10 lần về việc có làm được hay không; truyền thông thương hiệu và sản xuất duy trì – sản phẩm như thế nào mới hiệu quả; phân tích đối tượng mục tiêu, sự khác biệt của vật phẩm – quà tặng lần này... Tiếp theo, chúng tôi bắt đầu khai thác thói quen uống rượu của người Việt. Thông thường, người ta uống Vodka một cách chầm chậm, trong khi những cái ly trên thị thường có dung tích quá lớn, rất khó để “100%” ngay 1 lần. Cho nên, rót đầy thì chẳng được mà rót một nửa thì thật sự không “fair-play”.

Có rất nhiều vấn đề hóc búa mà Thịnh Đạt phải đối mặt: dung tích ly nhỏ (30ml) làm cho cái ly quá lùn, hoặc quá bé, không tạo ra được “phong cách Tây” và không phù hợp với một thương hiệu rượu nhập khẩu. Nếu mang tính mỹ thuật hơn một chút thì nó lại bị to. Cuối cùng, khi sự kết hợp của Vodka Cá Sấu, Thịnh Đạt và bên sản xuất trùng khớp: vừa lấy cái ly làm kích thước chuẩn vừa đảm bảo dung tích 30 ml thì chúng tôi tìm ra giải pháp như trong câu chuyện “Con quạ uống nước”. Kết quả, lớp đế của ly đã được tôn lên hơn 3cm để đạt được tính mỹ thuật (tổng chiều cao: 6,6cm, đường kính: 3,5cm), khi cầm thì chắc tay, không bị trơn, khó rơi vỡ...

Đồng thời, một chi tiết “gây thách thức” khác là làm sao thể hiện được thông tin “rượu nhập khẩu từ Nga”. Nếu viết chữ thì chắc chắn... chả ai đọc. Khi ấy, về bố cục vật chủ, chữ “Vodka Cá Sấu” nằm ở phần trung tâm, cái đầu con cá sấu phía trên cùng thì thực sự là... xấu quá đi rồi! Sau 15–20 ngày làm việc với nhau, Nguyên và tôi mới đưa được 3 dải màu trắng – xanh lam – đỏ (quốc kỳ Nga) vào thiết kế, rồi đồng nhất trong các vật phẩm khác như, banner, xô đá, áo phông........

 

Ngoài yêu cầu về thiết kế, chuyển tải thông điệp..., tôi đề ra việc chất liệu phải bằng thủy tinh gốm, nhằm đảm bảo được 3 yếu tố: độ trong suốt, an toàn – vệ sinh (không chứa chì), và làm nổi bật được thương hiệu. Sau đó, Vodka Cá Sấu không mặc cả 1, 2 đồng mà muốn Thịnh Đạt chứng minh là tại sao lại phải chấp nhận “giá chát” hơn bình thường. Đơn hàng đầu tiên xuất xưởng 20.000 bộ (1 bộ gồm 6 ly), các chủ quán cố gắng mua Vodka Cá Sấu để được tặng bộ ly và phản hồi rằng: “Vì nó quá đẹp”.

Đơn hàng tiếp theo là 50.000 bộ. Như vậy, từ bước đầu tiên đến cuối cùng, chúng tôi phải vứt đi hàng trăm bản thiết kế mới có được thành phẩm ưng ý. Đổi lại, vào thời điểm đó, trên thị trường, ly Vodka Cá Sấu trở thành biểu tượng kinh điển của vật phẩm quảng cáo đối với ly uống rượu. Ngoài ra, Nguyên và tôi, sếp của Nguyên, giám đốc phụ trách thương hiệu Vodka Cá Sấu, các chủ quán ăn/rượu... hoặc bị anh em, họ hàng gọi điện để... xin sản phẩm, hoặc bị khách “cầm nhầm” mang về...

Có thể nói, ly Vodka Cá Sấu là minh chứng sinh động cho kỳ vọng “trở thành ngôi sao dẫn đường, có những ngôi sao đồng điệu đồng hành” của Thịnh Đạt. Bên cạnh đó, công thức thành công cũng đến từ việc Thịnh Đạt luôn luôn hướng tới mọi điều tốt nhất cho khách hàng. Khi ký hợp đồng với bất kỳ một công ty nào, chúng tôi thường coi mình giống như một phòng marketing của họ, với nhiệm vụ làm cho khách hàng kiếm được tiềm chứ không phải kiếm tiền của khách hàng. Theo đó, quà tặng – vật phẩm truyền thông phải thúc đẩy doanh thu bán hàng của khách hàng lên, đồng thời tô đậm dấu ấn về thương hiệu ở trong tâm trí đối tác/người tiêu dùng.

 

Bài viết khác